Héo xanh, héo tươi, héo rũ, chết ẻo

Héo xanh, héo tươi, héo rũ, chết ẻo là những loại bệnh rất khó phòng, trị và gây hại đến rất nhiều loại cây trồng. Nếu không biết cách chăm sóc sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, điều kiện phát sinh bệnh, biểu hiện của bệnh trên một số cây trồng và cách khắc phục bệnh qua bài viết dưới đây.

1.Nguyên nhân gây bệnh.

Héo xanh là bệnh do vi khuẩn có tên khoa học là Pseudomonas solanacearum gây nên, hay còn được gọi với tên khác là Ralstonia solanacearum. Đây là loài ký sinh đa thực, phổ biến ở trên vùng nhiệt đới. Loài vi khuẩn này có rất nhiều chủng, nòi. Chúng tồn tại ở trong tự nhiên trên các cây ký chủ khác nhau, vậy nên nguồn bệnh lúc nào cũng có. Vi khuẩn có hình gậy, 1-3 lông roi mọc một đầu, kích thước 0.4-0.8x 0.5µm. Ở trên môi trường khuẩn lạc có màu trắng sữa, bóng, trên môi trường TZC có điểm hồng ở giữa. Thích hợp ở nhiệt độ 24 độ C, tối đa 27 độ C, tối thiểu 18 độ C. Vi khuẩn này được phát hiện gây hại trên 30 loại cây trồng khác nhau và thuộc loại chuyên hoá rộng.

Hình ảnh héo xanh, hóe tươi, héo rủ, chết ẻo
Hình ảnh héo xanh, hóe tươi, héo rủ, chết ẻo

2.Điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh.

Vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 30-35 độ C. Nguồn bệnh tồn tại lâu trong đất và ủ bệnh. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua vết thương, lan truyền qua cây bệnh và dụng cụ lao động.

3.Biểu hiện của bệnh và biện pháp khắc phục.

3.1:Đối với cây ớt.

  • Biểu hiện gây bệnh héo xanh trên cây ớt: Bệnh gây hại nghiêm trọng vùng trồng ớt trong suốt mùa mưa ở vùng khí hậu nhiệt đới. Bệnh diễn ra rải rác trên từng cây hay từng nhóm cây ở giữa ruộng. Biểu hiện đầu tiên là trên cây già, các lá bên dưới bị héo nhẹ, nếu ở cây con thì các lá non sẽ bị héo trước. Sau vài ngày thì cây sẽ héo nhanh bất thình lình nhưng lá không vàng. Chẻ thân phần gốc và rễ ra có thể thấy các mảnh nhựa chuyển thành màu xám đất đến màu nâu, nếu nhúng phần bị cắt vào nước ta sẽ thấy được dòng vi khuẩn tuôn ra có màu trắng sữa.
  • Biện pháp khắc phục: Cần lên líp cao thoát nước tốt cho cây, bón thêm vôi. Luân canh không trồng họ cà ớt trên ruộng bị nhiễm nặng 2-3 năm. Tưới nước Starner 20WP, Copper zinc 85WP… khoảng 0,5- 1% vào gốc cây mới bị nhiễm bệnh. Nhổ, tiêu huỷ các cây bệnh nặng để tránh lây lan.

3.2:Đối với cây khoai tây.

  • Biểu hiện gây bệnh héo xanh trên cây khoai tây: Bệnh gây hại nghiêm trọng và phổ biến ở khoai tây, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của khoai tây. Bệnh gây hại đến cây ở giai đoạn sinh trưởng và gây hại nặng nhất vào giai đoạn khoai tây đang hình thành củ. Ban đầu cây có biểu hiện héo sau đó hồi phục vào ban đêm. Vài ngày sau thì cây sẽ bị chết và không thể hồi phục được nữa, lá cây không chuyển màu vàng. Cây khi bị héo nhưng vẫn giữ được màu xanh. Bệnh làm chết cả cây hay chết dần từng nhánh, gốc cây bị thối nhũn. Củ bị bệnh ở phần cuối của củ hoặc mắt củ có dịch hơi nhầy màu trắng, rồi chuyển sang màu trắng ngà, đục như sữa. Nếu bị nặng củ sẽ bị thối nhũn, bóp nhẹ sẽ thấy sủi bọt, chất dịch có mùi hôi. Khi bổ củ sẽ thấy có một vòng nâu sẫm hay nâu đen ở ngoại bì.
  • Biện pháp khắc phục: Có thể sử dụng 2 biện pháp là biện pháp canh tác và biện pháp hoá học. Biện pháp canh tác: sử dụng giống khoai chịu được bệnh. Chọn, lọc, loại kĩ các củ giống mang bệnh trước khi trồng. Luân canh để ngăn ngừa bệnh héo xanh cho khoai tây cũng như các cây họ Cà khác. Không trồng cây khoai tây hay các cây cùng họ trong vụ tiếp theo như cà chua, thuốc lá, các loại cà. Sử dụng củ giống từ cây không bị bệnh. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, không để cây bệnh tồn tại trên ruộng để tránh lây lan bệnh. Ruộng trồng khoai tốt nhất là bằng phẳng hay bố trí theo băng, có rãnh thoát nước vì vi khuẩn sẽ lây lan theo dòng nước ở trong đất khi tưới hoặc trời mưa. Đất pha cát nghèo dinh dưỡng thường bị bệnh nặng hơn các chân đất khác. Cần tăng cường nguồn phân hữu cơ (có thể dùng phân ủ) để cây khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu bệnh ở cây. Biện pháp hoá học: Sử dụng luân phiên các loại thuốc để phòng trừ như Streptomyces lydicus WYEC 108 (Actinovate 1 SP), Streptomyces lydicus WYEC 108 1.3% + Fe 21.9% + Humic acid 47% (Actino-Iron 1.3 SP).

3.3:Đối với cây cà chua.

Héo xanh, héo tươi, héo rũ, chết ẻo
Héo xanh, héo tươi, héo rũ, chết ẻo
  • Biểu hiện gây bệnh héo xanh trên cây cà chua: Cây sẽ héo đột ngột nhưng vẫn còn xanh. Nếu quan sát rễ, thân cây thì phần trong bị sũng nước, sau đó chuyển thành màu nâu. Nếu cắt phần thân cây bị bệnh để vào trong nước sẽ thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra. Ban đầu bị bệnh các lá ngọn héo xanh rũ xuống, sau đó các lá phía gốc tiếp tục bị héo xanh cụp xuống, rồi cuối cùng dẫn đến toàn bộ cây héo rũ, tái xanh, gãy gục và chết. Hiện tượng héo xanh lúc đầu xảy ra ở 1 cành, thân hay 1 nhánh về 1 phía của cây cà chua, sau đấy toàn bộ cây héo xanh rũ xuống. Những cây bị bệnh ta có thể quan sát thấy ở phần phía gốc sát mặt đất vỏ thân thường xù xì, đấy là biểu hiện thường thấy ở cây cà chua khi bị bệnh héo xanh. Bệnh xuất hiện gây hại ở giai đoạn vườn ươm cây con và trong ruộng trồng ngoài sản xuất, gây hại nặng khi cà chua lớn, nhất là ở trong giai đoạn ra nụ, hoa hình thành quả non, quả già thu hoạch. Cây con ở giai đoạn nhiễm bệnh sẽ làm cho toàn bộ lá héo rũ nhanh, lá héo xanh gục xuống, cây chết xanh.
  • Biện pháp khắc phục: Bệnh này rất khó phòng, nếu sử dụng thuốc hoá học sẽ không có hiệu quả cao, vì vậy áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp sẽ hiệu quả cao hơn. Biện pháp canh tác, kỹ thuật: Luân canh cây trồng là biện pháp hiệu quả cao, có thể luân canh với cây khác họ cà hay luân canh cùng với lúa nước. Không nên trồng 2 vụ cà chua liên tiếp trên một chân đất. Xử lý hạt giống ở trong nước nóng 500C trong khoảng 25 phút. Sử dụng cây giống khỏe mạnh, không bị bệnh. Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, dọn sạch cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón. Biện pháp cơ giới vật lý: Nhổ bỏ cây bị bệnh, gom lại mang đi đốt. Tránh tiếp xúc cây bệnh và cây khoẻ khi tưới nước, tỉa cành, thu hoạch quả. Biện pháp hoá học: Bệnh do vi khuẩn gây ra nên dùng thuốc hoá học hiệu quả sẽ không được cao. Cần phải phát hiện sớm và dùng các loại thuốc như: Kasuran 50WP, Kanamin 47WP… để hạn chế bệnh.

3.4:Đối với cây lạc.

Biểu hiện và cách khác phục
Biểu hiện và cách khác phục
  • Biểu hiện gây bệnh héo xanh trên cây lạc: Ban đầu các lá non trên ngọn cây héo rũ xuống khi trời nắng. Vào ban đêm hay khi trời mát cây sẽ phục hồi không có biểu hiện này. Cây con bị bệnh héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh, cây bệnh ở giai đoạn lớn hơn lá bị héo có màu xanh tái, bình thường 1 số cành héo trước sau đó toàn bộ cây sẽ héo. Một số trường hợp lá non còn hoá nâu vẫn dính trên thân cây. Rễ và quả của cây lạc bị thối đen. Bệnh gây hại nặng nhất vào giai đoạn cây đâm tia, tạo quả. Đây là loại bệnh hại mạch dẫn, có tính hệ thống, tất cả mạch dẫn của thân, rễ, cành đều biến thành màu nâu sẫm, thâm đen. Bệnh gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và trong ruộng trồng ngoài sản xuất. Gây hại nặng khi cây lớn, nhất là vào giai đoạn đâm tia, tạo quả. Ở giai đoạn cây con bị nhiễm bệnh sẽ làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, lá héo xanh gục xuống, cây chết xanh.
  • Biện pháp khắc phục: Sử dụng thuốc hoá học không có hiệu quả cao, nên áp dụng các biện pháp phòng trị tổng hợp để đem lại hiệu quả. Biện pháp canh tác: Sử dụng giống kháng bệnh. Luân canh cây trồng sẽ khá hiệu quả, có thể luân canh với cây khác hay luân canh với lúa nước. Xử lý hạt giống. Sử dụng cây giống ở vườn ươm không bệnh. Vệ sinh đồng ruộng và dọn sạch cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để bón. Biện pháp cơ giới vật lý: Nhổ bỏ cây bệnh đem đốt. Tránh tiếp xúc cây bệnh và cây khoẻ trong khi tưới nước, tỉa cành, thu hái. Biện pháp hoá học: Bệnh do vi khuẩn gây ra nên dùng thuốc hoá học hiệu quả sẽ không cao. Phải phát hiện bệnh sớm và dùng các loại thuốc như: Kanamin 47 WP, Kasuran 50 WP…để có thể hạn chế bệnh. Biện pháp sinh học: 1 số dòng vi khuẩn có khả năng hạn chế vi khuẩn phát triển như: Erwinia oryzae, Bacillus subtilis, Bacillus mycoides, Bacillus mesenteriensis, Actinomyces californican. Các loại vi khuẩn này có nhiều ở trong phân chuồng.

Hi vọng qua bài viết trên chợ sinh vật cảnh đã giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh bệnh, biểu hiện của bệnh trên một số cây trồng và cách khắc phục bệnh sao cho hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *